Kham pha Dak Lak

KHÁM PHÁ BẢO TÀNG ĐẮK LẮK – NÉT ĐẸP ĐA DẠNG VĂN HÓA

Nằm giữa lòng xanh của cao nguyên Tây Nguyên, Bảo tàng Đắk Lắk là một kho tàng ẩn sau cánh cửa mở ra một thế giới đa dạng về văn hóa, lịch sử và truyền thống. Hãy cùng chúng tôi khám phá những điều hay và thú vị tại đây nhé!

Bảo tàng Dak Lak
Bảo tàng Đắk Lắk – nơi lưu giữ lịch sử, thiên nhiên và văn hóa

Lịch sử hình thành của Bào tàng Đắk Lắk

Toà công sứ, tiền thân của Bảo tàng Đắk Lắk, được xây dựng từ năm 1926 theo sự chỉ đạo của công sứ Pháp Paul Giran. Cho đến năm 1947, địa điểm này mang tên là Biệt điện Bảo Đại, nơi vua Bảo Đại sinh sống và làm việc. Trong khoảng thời gian từ 1955 đến 1975, nơi đây chứng kiến những sự kiện quan trọng trong hai cuộc kháng chiến chống lại Pháp và Mỹ.

Bảo tàng Đắk Lắk đã trải qua quá trình đầu tư xây dựng mới vào năm 2008 và được khánh thành vào năm 2011. Đây là bảo tàng đầu tiên ở Việt Nam sử dụng đến bốn ngôn ngữ khác nhau trong việc trưng bày, bao gồm Anh, Pháp, Việt và Ê Đê. Ngày nay, bảo tàng trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn nhất tại thành phố Buôn Ma Thuột. Với sự góp mặt của nhiều ngôn ngữ trong bảo tàng đã thu hút rất nhiều cả du khách trong và ngoài nước.

Vị trí đắc địa 

Tọa lạc tại số 2 Y Ngông, phường Tự An, Tp. Buôn Ma Thuột – Bảo tàng Đắk Lắk nằm ẩn mình giữa thành phố Buôn Ma Thuột, là trung tâm văn hóa và du lịch của Đắk Lắk. Với vị trí thuận lợi, nó là điểm dừng chân lý tưởng cho những người muốn tìm hiểu sâu hơn về lịch sử và văn hóa độc đáo của các dân tộc dân cư trong khu vực.

Bảo tàng Đắk Lắk
Bảo tàng Đắk Lắk có vị trí ngay trung tâm Thành phố Buôn Ma Thuột

Kiến trúc độc đáo

Bảo tàng Đắk Lắk được thiết kế theo kiến trúc truyền thống của các dân tộc cư trú tại Đắk Lắk. Vật liệu chính dùng để xây dựng bảo tàng như hợp kim, kính, bê tông,… cách kết hợp các loại vật liệu này với nhau của kiến trúc sư đã góp phần làm nổi bật vẻ đẹp cổ kính nhưng không kém phần sang trọng. Phong cách thiết kế mái nhà nghiêng và những họa tiết trang trí tỉ mỉ đã làm cho bảo tàng trở thành một tác phẩm nghệ thuật độc đáo thu hút sự chú ý của du khách.

Bên cạnh đó, Bảo tàng Đắk Lắk xây dựng trên một mảnh đất rộng lớn với diện tích khoảng hơn 9.200 mét vuông. Xung quanh bảo tàng được trồng rất nhiều cây xanh và phủ nhiều thảm cỏ xanh mướt tạo nên một không gian thoáng đãng và mát mẻ đậm chất núi rừng Tây Nguyên.

Bảo tàng Đắk Lắk
Xung quanh Bảo tàng Đắk Lắk được phủ xanh bởi rất nhiều cây và thảm cỏ

Thưởng thức văn hóa đa dạng

Bảo tàng trưng bày hàng nghìn hiện vật và hình ảnh, từ trang phục truyền thống, công cụ làm nông nghiệp đến những tác phẩm nghệ thuật truyền thống. Du khách có cơ hội thưởng thức đa dạng văn hóa của các dân tộc Ê Đê, M’Nông, Gia Rai và nhiều dân tộc thiểu số khác. Bên trong bảo tàng được chia làm 3 khu vực chính để giúp du khách dễ dàng tìm kiếm và tham quan: Khu vực đa dạng sinh học, khu vực văn hóa dân tộc và khu vực lịch sử. Mỗi khu vực trưng bày đều là một nguồn kiến thức phong phú về lịch sử và văn hóa đặc sắc của từng dân tộc.

Khu vực đa dạng sinh học: Có diện tích hơn 300 mét vuông, khi bước vào khu vực này bạn sẽ cảm nhận được rằng bản thân như đang bước vào một thế giới sinh học đầy sự kì bí và thú vị. Nơi đây được trưng bày hơn 200 hình ảnh và hiện vật như các loại gỗ xưa, cầm lai hay các loại thuốc dân gian, động vật quý hiếm có tên trong sách đỏ.

Bảo tàng Đắk Lắk
Khu vực trưng bày động vật quý hiếm

Khu vực văn hóa dân tộc: Có diện tích hơn 650 mét vuông, hình ảnh đầu tiên nhìn thấy khi tới đây là một bức tranh rộng lớn có đầy đủ 49 dân tộc anh em. Khu vực này tập trung trưng bày hơn 450 hiện vật như: trang phục truyền thống, đồ trang sức, cồng chiêng, đàn đá,… những vật dụng đời sống xung quanh của các dân tộc đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Bảo tàng Đắk Lắk
Hình ảnh trưng bày 49 dân tộc anh em
Bảo tàng Đắk Lắk
Rất nhiều hiện vật được trưng bày trong bảo tàng

Khu vực lịch sử: Là khu vực có diện tích lớn nhất trong Bảo tàng Đắk Lắk – khoảng 700 mét vuông dùng để trưng bày nhiều hình ảnh và tư liệu lịch sử từ thời cổ đại cho đến nay. Mục đích giúp cho du khách khi tham quan bảo tàng là tăng thêm sự hiểu biết về kiến thức lịch sử cũng như hiểu rõ hơn về những khó khăn, thử thách khi xưa ông cha ta đã phải đối mặt và hy sinh để có được một cuộc sống yên bình như bây giờ.

Bảo tàng Đắk Lắk
Hình ảnh và tư liệu lịch sử trong bảo tàng. Ảnh: @rachelreview_

Chương trình triển lãm

Bảo tàng thường xuyên tổ chức các chương trình triển lãm từ các hoạt động trải nghiệm văn hóa đến các sự kiện giáo dục về bảo tồn văn hóa dân tộc. Điều này giúp du khách không chỉ nhận thức văn hóa một cách sâu sắc mà còn tham gia vào các hoạt động thú vị.

Bảo tàng Đắk Lắk
Các em học sinh tham gia triển lãm “Những chú voi hành phúc quê em”. Ảnh: daklak.go.vn

Lịch trình tham quan

Bảo tàng mở cửa đón khách từ 8:00 – 21:00 từ thứ 3 cho đến chủ nhật hàng tuần, đảm bảo du khách có đủ thời gian để thăm quan mà không cảm thấy bận rộn. Giá vé vào cửa là 30.000 VNĐ/người lớn và 20.000 VNĐ/trẻ em – giá vé hợp lý, tạo điều kiện cho mọi đối tượng du khách trải nghiệm không gian văn hóa độc đáo này.

Bảo tàng Đắk Lắk không chỉ là nơi lưu giữ di sản văn hóa mà còn là bức tranh sống động về sự đa dạng và phong phú của cộng đồng dân tộc trong khu vực. Hãy để những chuyến thăm đưa bạn đến với những hành trình khám phá tuyệt vời nhất của văn hóa Đắk Lắk.

NGUỒN THAM KHẢO: Ngọc Bảo (2020). Trưng bày thường xuyên tại Bảo tàng Đắk Lắk 

Khám phá thêm những địa điểm thú vị tại Đắk Lắk tại đây:

https://daklaktourism.com/du-lich-ho-lak-van-hoa-con-nguoi-tay-nguyen-47/

https://daklaktourism.com/lang-ca-phe-trung-nguyen-buon-ma-thuot/

 

QR: KHÁM PHÁ BẢO TÀNG ĐẮK LẮK – NÉT ĐẸP ĐA DẠNG VĂN HÓA
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Login

Hotline: 0935 949 942
Chat Zalo
Gọi điện ngay